Quyền lực độc quyền của các đơn vị kinh doanh vàng theo Nghị định 24/2012 đang là một thách thức lớn trong việc ổn định thị trường vàng, và để khắc phục vấn đề này, cần có sự điều chỉnh chính sách
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo, cơ quan này sẽ dừng đấu thầu vàng miếng và sẽ triển khai biện pháp thay thế trong thời gian sớm nhất dự kiến bắt đầu từ ngày 3-6.
Đã tung 1,8 tấn vàng ra thị trường
Từ tháng 4 đến nay, NHNN đã thực hiện 9 phiên đấu thầu vàng SJC, trong đó có 6 phiên thành công và đưa ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC (tương đương 1,8 tấn vàng).
Theo chuyên gia tài chính Trần Đình Phương, là chủ thể quan trọng và duy nhất tạo nguồn cung vàng SJC trên thị trường, với sự độc quyền nhập và sản xuất vàng miếng SJC, có thể NHNN dừng đấu thầu vàng sau khi đạt mục tiêu bù đắp nguồn cung, bình ổn thị trường, dập tắt đầu cơ.
Điều này có thể quan sát được, giá vàng SJC không còn tạo sóng lớn, tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn khi không còn xếp hàng mua bằng được khi giá tăng mạnh.
“Có thể NHNN đánh giá thị trường vàng trong nước hiện nay tương đối ổn định, nguồn cung vàng dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Việc dừng đấu thầu vàng nhằm điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng theo hướng linh hoạt, hiệu quả hơn, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế”, ông Phương bình luận.
Theo một số chuyên gia khác, việc NHNN dừng đấu thầu vàng có thể là để quan sát kỹ hơn thị trường, cũng như thực hiện một phép thử quan sát giá vàng SJC, nhu cầu và tâm lý trên thị trường.
Các biến động nếu có sau khoảng lặng này, sẽ được NHNN điều chỉnh kịp thời, hợp lý, phù hợp với diễn biến thị trường hơn. NHNN hoàn toàn vẫn đủ nguồn lực để dập tắt các cơn sóng vàng trong tương lai.
Tuy nhiên bình ổn là một quá trình, độ trễ cần thời gian, nên đấu thầu vàng cũng không phải là cây đũa thần có thể bao quát hết các mục tiêu cùng một lúc.
Mặt khác, sau thời gian bơm nguồn cung vàng SJC, tỉ giá đã ổn định (một phần cũng nhờ vào việc NHNN bán vàng, hút khối lượng tiền đồng rất lớn trên thị trường) thì việc dừng đấu thầu vàng cũng xem là hợp lý lúc này, vì vàng cũng được xem là dự trữ ngoại hối quan trọng, tấm đệm cho ổn định tỉ giá, bảo vệ giá trị đồng nội tệ.
“Việc dừng đấu thầu vàng, có thể hiểu NHNN đang tìm giải pháp tốt hơn nhằm xây dựng một thị trường vàng ổn định, minh bạch và bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế tổng thể của Việt Nam”, một chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên, mới đây (23-5), tại buổi thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ sự lo ngại trong phương thức điều hành, quản lý vàng thời gian qua, nhất là trước nghịch lý Nhà nước càng tổ chức đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường thì giá vàng lại càng tăng.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng bất hợp lý của thị trường vàng hiện nay là sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với vàng thế giới dù chúng ta đã có nhiều cách nhưng không thu hẹp được.
“Việc tổ chức đấu thầu lại càng hâm nóng thị trường vàng lên. Nguyên nhân có thể là do cách thức làm vừa rồi không rõ mục tiêu”, đại biểu Lâm nói. Ông băn khoăn với việc giá vàng đem ra đấu thầu gần sát với giá thị trường chứ không phải là giá vàng thế giới. Còn nếu giá vàng thế giới lên, trong nước cũng lên là chuyện của thị trường, không điều chỉnh được.
“Vừa qua, chúng ta lại mang vàng ra đấu thầu sát với giá khởi điểm sát giá thị trường Việt Nam. Chúng ta muốn bán vàng với giá cao để thu về nhiều tiền hay đấu giá để ổn định thị trường, ổn định tâm lý người dân”, đại biểu Lâm đặt câu hỏi.
Bỏ độc quyền, sửa nghị định 24
PGS.TS Phạm Công Hiệp, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, sau khi dừng đấu thầu vàng, NHNN nên xem xét giảm bớt quyền lực độc quyền của các đơn vị kinh doanh vàng, cần có sự điều chỉnh chính sách từ NHNN và các cơ quan quản lý.
Các biện pháp có thể bao gồm tăng cường giám sát, áp dụng các quy định chặt chẽ hơn về giao dịch vàng, và xem xét lại các điều khoản của Nghị định 24/2012 để đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch và công bằng hơn.
Ngân hàng Nhà nước dừng đấu thầu vàng SJC để tìm các biện pháp hiệu quả hơn, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế.
Các đơn vị kinh doanh vàng, do được trao quyền quyết định khối lượng và giá, có thể tận dụng vị thế độc quyền để điều chỉnh giá theo hướng có lợi cho mình. Điều này có thể dẫn đến tình trạng giá vàng trong nước không phản ánh đúng tình hình cung cầu thực tế, mà bị ảnh hưởng bởi các yếu tố đầu cơ và thao túng giá.
NHNN tổ chức các phiên đấu thầu nhằm mục tiêu ổn định thị trường và giảm chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới. Tuy nhiên, khi quyền lực điều chỉnh giá nằm trong tay các đơn vị kinh doanh vàng, NHNN gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu này. Các đơn vị này có thể giữ giá cao để bảo vệ lợi nhuận, dù cung vàng được tăng cường từ NHNN.
“Quyền lực độc quyền của các đơn vị kinh doanh vàng theo Nghị định 24/2012 đang là một thách thức lớn đối với NHNN trong việc ổn định thị trường vàng. Để khắc phục vấn đề này, cần có sự điều chỉnh chính sách và tăng cường giám sát nhằm tạo ra một thị trường minh bạch và công bằng hơn, giúp NHNN đạt được mục tiêu ổn định giá vàng trong nước” – vị chuyên gia Đại học RMIT khuyến nghị.
Theo TS Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT Việt Nam, sau đấu thầu, Nhà nước cần có giải pháp lâu dài, căn bản hơn để đảm bảo sự ổn định và minh bạch bền vững trên thị trường vàng Việt Nam.
Tình trạng độc quyền nhà nước hiện nay trong sản xuất vàng miếng được xác định là yếu tố chính góp phần đẩy giá vàng trong nước lên cao. Việc loại bỏ tình trạng độc quyền này và cho phép cạnh tranh nhiều hơn trong lĩnh vực sản xuất vàng miếng, có thể sẽ dẫn đến giá cả cạnh tranh hơn và giảm chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và quốc tế.
Đưa nhiều doanh nghiệp được cấp phép vào lĩnh vực sản xuất và nhập khẩu vàng có thể tăng nguồn cung, giảm giá và điều chỉnh giá chặt chẽ hơn với giá quốc tế. Điều này không chỉ làm cho thị trường trở nên cạnh tranh hơn mà còn minh bạch hơn.
Theo TS Tùng, việc cho phép nhiều người tham gia hơn vào thị trường vàng có thể giúp chống buôn lậu vàng do các doanh nghiệp sẽ có nhiều cách hợp pháp cho việc nhập khẩu và phân phối, từ đó có thể làm giảm các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến buôn bán vàng.
Mặc dù việc chấm dứt độc quyền là rất quan trọng. Nhưng điều quan trọng là việc này không dẫn đến một thị trường hoàn toàn không được kiểm soát.
“Nhà nước vẫn duy trì một số mức độ giám sát để tránh “vàng hóa” nền kinh tế, có thể gây bất ổn cho đồng tiền và nền kinh tế quốc gia. Các quy định minh bạch và công bằng sẽ đảm bảo thị trường không chỉ tự do mà còn công bằng và ổn định”, ông nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị cần đặc biệt lưu tâm đến giá vàng tăng bất thường càng ngày càng chênh lệch cao so với giá vàng thế giới, phải có biện pháp điều tiết đưa giá vàng ngang bằng với thế giới một cách linh hoạt.
“Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường nhưng lại xảy ra nghịch lý cứ sau đấu thầu giá vàng lại tăng, vì giá sàn cao nên doanh nghiệp trúng thầu phải bán giá cao hơn. Do vậy, sắp tới có thể áp dụng đấu thầu ngược như đơn vị nào mua vàng xong bán sát giá tham chiếu nhất sẽ trúng thầu. Bên cạnh đó, về dài hạn phải sửa Nghị định 24/NĐ-CP” – đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị. Còn đại biểu Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, cho rằng Nghị định 24 /NĐ-CP về vàng được ban hành từ năm 2012, sau 12 năm thực hiện đã có những bất cập, do vậy đã đến lúc cần đúc kết, để sửa đổi nghị định này. “Chúng tôi thấy trong giai đoạn hiện nay cũng nên bỏ độc quyền vàng của nhà nước và thúc đẩy phát triển vàng thủ công mỹ nghệ. Chúng tôi thấy do thị trường vàng nguyên liệu, vàng miếng có chênh lệch với thị trường vàng thế giới khá cao nên gây khó khăn cho phát triển vàng thủ công mỹ nghệ” – đại biểu Việt đề nghị. |
Nguồn: https://plo.vn/bat-ngo-dung-dau-thau-vang-can-lam-gi-tiep-theo-de-keo-vang-sjc-xuong-mat-dat-pos…